VAI TRÒ CỦA VIỆC TỔ CHỨC LỄ HỘI TRONG TRƯỜNG MẦM NON
Trẻ em, những thành viên nhỏ tuổi của xã hội, hơn ai hết là những người náo nức chờ mong các ngày lễ hội, thích được đi chơi, dã ngoại, tham gia vào các hoạt động trải nghiệm. Được tham dự vào những ngày lễ hội tưng bừng cùng các quang cảnh được tô điểm bởi cờ, hoa, quần áo đẹp, tiếng nhạc rộn ràng… là những gì trẻ trông chờ vào những ngày này. Hơn nữa hoạt động lễ hội là một phần không thể thiếu được trong sinh hoạt của trẻ nhỏ, nó đáp ứng nhu cầu xúc cảm, nhu cầu giao lưu của trẻ.
Việc tổ chức Lễ hội cho trẻ được coi là một phương tiện giáo dục nhiều mặt cho trẻ Mầm non, giúp trẻ phát triển toàn diện về nhân cách, vì khi tham gia vào các hoạt động, đem lại cho trẻ những niềm vui chung, giúp trẻ trở nên cởi mở hơn, gần gũi nhau hơn. Đồng thời cũng giúp trẻ tìm hiểu, khám phá và nhận thức về môi trường xung quanh, về cuộc sống của con người, sự quan tâm chia sẻ của trẻ đối với người thân, với các bạn và tất cả mọi người. Khi tham gia vào các hoạt động lễ hội trẻ được trải nghiệm, được thực hành từ đó trẻ có kiến thức về cuộc sống, có những kỹ năng cơ bản về cuộc sống khi chính bản thân trẻ được trực tiếp tham gia, giúp trẻ mạnh dạn hơn, tự tin hơn trong cuộc sống.
Trong những năm gần đây trường mầm non Thị trấn đã rất chú trọng việc tổ chức các ngày lễ hội có quy mô lớn, tạo môi trường để mỗi trẻ đều có cơ hội tham gia: Ngày hội đến trường, tết trung thu, ngày lễ 20/11, tết nguyên đán… trẻ được cùng bố mẹ, cô giáo chuẩn bị trang phục, mũ, giày dép... để tham gia hoạt động lễ hội, tham gia các tiết mục văn nghệ, cùng cô giáo chuẩn bị mâm ngũ quả cho ngày tết trung thu, ngày tết nguyên đán.
Thông qua họat động lễ hội này trẻ có khái niệm về một số ngày lễ gần gũi với trẻ và thể hiện tình cảm thái độ của mình với ngày đó. Việc thể hiện các tiết mục văn nghệ có nội dung theo chủ đề mang tính giáo dục của các ngày đó có tác dụng to lớn trong việc giáo dục tình cảm đạo đức, tình cảm quê hương đất nước, lòng biết ơn và yêu mến những người đã quan tâm chăm sóc trẻ.