GIỜ HOẠT ĐỘNG KỂ CHUYỆN
Đối với trẻ mầm non để có được sự mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp, thì mỗi chúng ta cần chú ý tới khả năng nói của trẻ. Việc phát triển ngôn ngữ mạch lạc cho trẻ trong giao tiếp, giúp trẻ dễ dàng tiếp cận với mọi người xung quanh. Vì vậy bộ môn làm quen với văn dạy trẻ kể chuyện, đóng kịch…rất cần thiết đối với trẻ để trẻ phát triển vốn từ, luyện phát âm và nói đúng ngữ pháp. Qua đây xin mạnh dạn chia sẻ về việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ qua dạy truyện để trẻ hiểu được sự phong phú và đa dạng về ngôn ngữ.
Trước tiên giáo viên gây hứng thú cho trẻ bằng một bài hát hoặc một câu đố,… nói về chủ đề mà trẻ đang được học. Sau đó trò chuyện cùng với trẻ tạo sự gần gũi và dẫn dắt trẻ vào bài.
Ví dụ: đề tài truyện: “Củ cải trắng” giáo viên gây hứng thú cho trẻ bằng cách cho trẻ chơi trò chơi: “Gieo hạt”.
Tiếp theo bằng khả năng kể chuyện của mình, giáo viên kể chuyện cho trẻ nghe bằng ngữ điệu, giọng điệu của nhân vật (thể hiện qua cử chỉ, điệu bộ, ánh mắt).
Để trẻ hiểu hơn về nội dung câu chuyện, giáo viên mở cho trẻ quan sát hình ảnh nội dung câu truyện theo trình từ đầu đến hết câu chuyện đồng thời kết hợp với lời kể chuyện của mình để trẻ dễ hiểu nội dung truyện hơn.
Sau khi trẻ được nghe cô kể thông qua hình ảnh minh họa, trẻ đã hiểu. Giáo viên gợi ý đưa ra những câu hỏi để trẻ được trả lời, sau đó giáo viên giảng giải, giải thích từ khó, trích dẫn theo trình tự nội dung câu chuyện để trẻ hiểu rõ nội dung, ý nghĩa của truyện, từ đó giúp trẻ phát triển vốn từ.
Để tạo hứng thú cho trẻ, khuyến khích trẻ kịp thời, giúp trẻ nhìn thấy được vai trò của mình, giáo viên mời trẻ lên cùng giáo viên kể chuyện. Giáo viên sẽ là người kể lời dẫn chuyện, còn trẻ kể lời thoại của các nhân vật trong truyện. Giúp trẻ hiểu được ý nghĩa của câu truyện giáo viên vừa kể cho trẻ nghe, giáo dục trẻ hiểu cái gì nên học, nên làm và cái gì không nên học, không nên làm.
Cuối cùng để cho trẻ bớt căng thẳng giáo viên cho trẻ hát, đọc thơ, đọc đồng dao, ca dao… ra ngoài dạo chơi, tắm nắng.