GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO TRẺ NHÓM TRẺ 18 - 24 THÁNG TRƯỜNG MẦM NON THỊ TRẤN ĐIỆN BIÊN ĐÔNG
Dạy kỹ năng sống cho trẻ là truyền cho trẻ những kinh nghiệm sống của người lớn. Nhằm giúp trẻ có những kỹ năng đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống. Trẻ biết vận dụng, biến những kiến thức của mình để giải quyết những khó khăn trong cuộc sống cho phù hợp
Giáo dục Kỹ năng sống là khả năng giúp trẻ tự làm chủ được bản thân của mình, khả năng tự ứng xử phù hợp với những người khác và với xã hội, khả năng ứng phó tích cực trước các tình huống trong cuộc sống. Kỹ năng sống là giáo dục cách sống tích cực trong xã hội hiện đại. Giáo dục cho trẻ những kỹ năng mang tính cá nhân và xã hội nhằm giúp trẻ có thể chuyển tải những kiến thức, thái độ, cảm nhận thành những khả năng thực thụ, giúp trẻ biết xử lý hành vi của mình trong các tình huống khác nhau trong cuộc sống.
Hiện nay ở trong các gia đình trẻ em được quá chiều chuộng, luôn là vệ tinh trung tâm để mọi người xoay quanh và đáp ứng mọi yêu cầu của trẻ. Thậm chí phụ huynh còn làm hộ trẻ tất cả mọi việc mà chưa chú ý đến việc dạy trẻ kỹ sống cho trẻ, đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ không có kỹ năng tự phục vụ bản thân mình. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển toàn diện của trẻ.
Là một giáo viên mầm non tôi nhận thấy việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non, đặc biệt là trẻ từ 18 - 24 tháng tuổi là một việc làm hết sức cần thiết nên tôi đã lựa chọn dạy trẻ vào các hoạt động trong ngày như sau:
* Dạy các kỹ năng sống thông qua giờ đón, trả trẻ
- Đối với giờ đón, trả trẻ tôi ân cần và chuẩn mực trong cách xưng hô, giao tiếp với cha mẹ trẻ, tập cho trẻ chào thưa lễ phép với cô giáo và bố mẹ. Đồng thời tôi tập trung rèn cho trẻ kỹ năng tự phục vụ như: lấy và cất dép, cất balo của mình gọn gàng ngăn nắp. Khi trẻ thực hiện tôi quan sát xem trẻ đã làm đúng và ngăn nắp chưa từ đó có những hướng dẫn uốn nắn kịp thời cho trẻ
*Dạy trẻ kỹ năng sống thông qua hoạt động học
- Mỗi tiết dạy tôi luôn chú trọng đến việc chuẩn bị chu đáo đồ dùng trực quan cho cô và trẻ. Các tiết học đều được tổ chức theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm, cô giáo chỉ đóng vai trò là người hỗ trợ giúp trẻ phát huy khả năng, thế mạnh của mình từ đó phát triển những kỹ năng sống tốt hơn.
* Dạy trẻ kỹ năng sống thông qua hoạt động vui chơi.
- Đối với trẻ mầm non hoạt động vui chơi chiếm vai trò chủ đạo trong hoạt động của trẻ ở trường mầm non. Thông qua các góc chơi trẻ được thực hành trải nghiệm với các vai chơi khác nhau, từ đó trẻ có được các kỹ năng giao tiếp, ứng xử, biết thể hiện tình cảm đến mọi người xung quanh. Qua hoạt động vui chơi tôi còn dạy cho trẻ những thói quen tốt: như là cất đồ chơi đúng nơi quy định sau khi chơi, lần đầu cô có thể hướng dẫn trẻ làm cùng cô sau đó cho trẻ tự làm cô quan sát và sửa sai cho trẻ. Cứ như vậy tạo cho trẻ có nề nếp và thói quen lấy, cất đồ dùng,đồ chơi đúng nơi quy định.
* Dạy trẻ kỹ năng sống thông qua giờ ăn, ngủ.
Đối với giờ ăn tôi rèn cho trẻ biết vệ sinh cá nhân sạch sẽ trước và sau khi ăn, trẻ biết mời cô và các bạn cùng ăn cơm, biết tự xúc cơm ăn, biết nhặt
cơm rơi vãi ở bàn vào đĩa. Sau khi ăn xong trẻ biết cất bát thìa đúng nơi quy định và biết tự lấy nước uống, súc miệng. Đối với giờ ngủ tôi rèn trẻ biết tự lấy và cất gối.
Sau khi áp dụng các biện pháp rèn các kỹ năng sống tôi nhận thấy trẻ có những tiến bộ rõ rệt, trẻ mạnh dạn tự tin trong giao tiếp, đến lớp biết chào hỏi lễ phép và chơi đoàn kết với các bạn. Trẻ đã tự phục vụ trong ăn uống, biết lấy cất các đồ dùng cá nhân. Từ đó sẽ giúp trẻ học cách tự lập, vượt qua khó khăn trong cuộc sống và trưởng thành hơn trở thành người có ích cho xã hội.
Sau đây là một số hình ảnh trẻ tự phục vụ



