Trường Mầm Non Thị Trấn- Huyện Điện Biên Đông- Tỉnh Điện Biên

https://mnthitran.pgddienbiendong.edu.vn


BIỆN PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG RÈN KỸ NĂNG SỐNG CHO TRẺ TẠI LỚP 24-36 THÁNG

Giáo dục mầm non giữ vai trò quan trọng bởi nó là bậc học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, là bậc học đặt nền móng cho các bậc học sau. Vì vậy trẻ phải được chăm sóc, giáo dục khi trẻ còn ở lứa tuổi nhà trẻ. Ngay từ lứa tuổi nhà trẻ, các bé phải được giáo dục tiếp thu kiến thức, kỹ năng, xây dựng những hành vi lành mạnh và thay đổi những thói quen tiêu cực giúp trẻ biết nhận thức về hành vi, thái độ và trẻ có những kỹ năng cử chỉ về những hành vi đó.
BIỆN PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG RÈN KỸ NĂNG SỐNG CHO TRẺ TẠI LỚP 24-36 THÁNG
PHẦN I: PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn biện pháp
Giáo dục mầm non giữ vai trò quan trọng bởi nó là bậc học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, là bậc học đặt nền móng cho các bậc học sau. Vì vậy trẻ phải được chăm sóc, giáo dục khi trẻ còn ở lứa tuổi nhà trẻ. Ngay từ lứa tuổi nhà trẻ, các bé phải được giáo dục tiếp thu kiến thức, kỹ năng, xây dựng những hành vi lành mạnh và thay đổi những thói quen tiêu cực giúp trẻ biết nhận thức về hành vi, thái độ và trẻ có những kỹ năng cử chỉ về những hành vi đó.
Là giáo viên đứng lớp, tôi luôn băn khoăn, suy nghĩ làm thế nào để giáo dục uốn nắn cho trẻ những hành vi đúng và trẻ có cách cư xử văn minh và lịch sự. Ở lứa tuổi mầm non đặc biệt là trẻ nhà trẻ, trẻ hay thực hiện theo ý thích, chưa tự chủ được những hành động, hành vi của mình, chưa có nề nếp trong thói quen sinh hoạt.
Nhằm đáp ứng về kỹ năng sống cho trẻ, có thể từ những kỹ năng sống tưởng chừng như đơn giản nhưng khi đưa lên thành một hoạt động được tổ chức bài bản thì giáo viên còn lúng túng, chưa linh hoạt trong cách thức tổ chức. Ngoài ra giáo viên còn chưa chú tâm tới việc rèn kỹ năng sống cho trẻ, dạy theo hình thức,  phương pháp cũ, cô tự làm cho trẻ. Chính vì vậy mà khiến trẻ thụ động, kỹ năng của trẻ còn hạn chế. Giáo viên chưa biết lồng ghép rèn kỹ năng sống trong các hoạt động đặc biệt là các hoạt động chơi chính vì vậy mà tôi đã lựa chọn: “Biện pháp nâng cao chất lượng rèn kỹ năng sống cho trẻ 24 – 36 tháng bản thông qua các hoạt động chơi trong trường mầm non thị trấn Điện Biên Đông”.
2. Mục tiêu, tầm quan trong sự cần thiết của biện pháp.
Đánh giá thực trạng của trẻ thông qua rèn kỹ năng sống cho trẻ ở các hoạt động chơi cho phù hợp với tính chất của từng hoạt động, từ đó lựa chọn và xây dựng một số biện pháp có hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng rèn kỹ năng sống kết hợp các trò chơi hoạt động của trẻ nhà trẻ. Từ đó giáo viên  giúp trẻ mạnh dạn, tự tin khi tham gia các hoạt động chơi.
Biện pháp giúp giáo viên có thêm kinh nghiệm để gây hứng thú cho trẻ thông qua các hoạt động rèn kỹ năng sống.
Khi tổ chức hoạt động rèn kỹ năng sống thông qua các hoạt động chơi giúp trẻ có sự khéo léo, mạnh dạn tự tin, sáng tạo cũng như trong giao tiếp, trẻ biết đoàn kết tương trợ nhường nhịn nhau khi học và chơi.
3. Phạm vi và đối tượng áp dụng
Phạm vi nghiên cứu: Biện pháp nâng cao chất lượng  rèn kỹ năng sống cho trẻ 24 -36 tháng bản thông qua các hoạt động chơi trong trường mầm non thị trấn Điện Biên Đông.”
PHẦN II: PHẦN NỘI DUNG
1. Thực trạng vấn đề cần giải quyết
1.1 Thực trạng   
* Ưu điểm. 
- Về phía nhà trường:
+ Luôn được ban giám hiệu nhà trường tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất và chỉ đạo sát sao trong công tác chuyên môn luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất về các phương tiện dạy học trong và ngoài lớp.
- Về phía giáo viên:
+ Giáo viên có trình độ chuyên môn vững vàng, nhiệt tình, yêu nghề, mến trẻ, có kinh nghiệm trong việc chăm sóc nuôi dạy trẻ, luôn có tinh thần học hỏi, rèn luyện.
* Hạn chế
- Về phía giáo viên:
+ Nhiều giáo viên trẻ chưa quan tâm trong quá trình tổ chức lồng ghép các hoạt động giáo dục rèn kỹ năng sống cho trẻ đặc biệt là lồng ghép thông qua trò chơi của trẻ .
+ Cô chưa chú ý cho trẻ thực hành chỉ lồng ghép trên lý thuyết  nên trẻ  chưa có kỹ năng trong các hoạt động chơi.
+ Thời gian tổ chức các hoạt động lồng ghép cho trẻ chỉ thoáng qua lấy lệ chính vì vậy  trẻ ít nhớ không có kỹ năng .
+ Giáo viên còn lúng túng trong việc thiết kế và sử dụng các hoạt động cho trẻ  chơi có lồng ghép rèn kỹ năng sống.
- Về phía trẻ: 
+ Trẻ mới ra lớp, chưa biết nói tiếng Việt, trẻ ở nhà còn đang được bao bọc của cha mẹ và gia đình
+ Khả năng trí nhớ chú ý có chủ định của trẻ còn kém, trẻ chưa phát huy tính tích cực mạnh dạn trong các hoạt động của trẻ ở trường lớp.
+ Trong lớp đa số trẻ là người dân tộc nên còn rụt rè, nhút nhát, thiếu tự tin và không thích tham gia vào các hoạt động tập thể
Qua khảo sát thực trạng đầu năm về rèn kỹ năng sống cho trẻ nhà trẻ 24-36 tháng bản trong trường mầm non thị trấn Điện Biên Đông đầu năm học 2020- 2021 tôi thu được kết quả như sau:
Bảng khảo sát kết quả trước khi áp dụng đề tài như sau:
 
Nội dung
Khảo sát đầu năm
Số trẻ Tỉ lệ
Trẻ biết cất dọn, sắp xếp đồ dùng đồ chơi đúng nơi quy định 13/27 48%
Kỹ năng giao tiếp 12/27 44,4%
Kỹ năng tự phục vụ 10/27 37%
Kỹ năng chơi 14/27 51,8%
Kỹ năng hợp tác 13/27 48%
2. Biện pháp.
* Thứ nhất: Tạo môi trường vui chơi đảm bảo an toàn, mang tính tích cực.
Cách thức học tập vui chơi của trẻ mầm non và đặc biệt trẻ nhà trẻ là “Học mà chơi, chơi mà học”, Chính vì vậy trong không gian lớp học cần phải được bố trí phù hợp, thẩm mỹ đẹp mang tính mở để phát huy tính tích cực của trẻ.
(Hình ảnh: Đồ dùng đồ chơi sắp xếp hợp lý)
 
Ngoài ra lớp học là nơi mà trẻ được tiếp xúc hàng ngày chính vì thế tôi làm những đồ dùng đồ chơi gần gũi, quen thuộc, sắp xếp gọn gàng trên giá, vừa tầm tay trẻ, đồ chơi phù hợp với chủ đề và mục đích góc chơi, có khả năng kích thích các giác quan của trẻ. Thông qua việc sắp xếp tạo môi trường trong lớp và ngoài lớp để góp phần rèn cho trẻ kỹ năng sắp xếp gọn gàng ngăn nắp.
* Thứ hai: Rèn kỹ năng cho trẻ thông qua các hoạt động chơi.
 - Rèn kỹ năng sống thông qua chơi trong giờ đón, trả trẻ: Cô đón trẻ và hướng trẻ chơi ở các góc với đồ chơi khác nhau. Trong khi chơi cô nhắc nhở trẻ là phải giữ gìn đồ dùng, đồ chơi, không được quăng ném đồ chơi sẽ bị hỏng, trẻ chơi theo nhóm cô giáo dục trẻ phải đoàn kết với bạn cùng chơi không được tranh dành đồ chơi của nhau.
 
 
 
(Hình ảnh: Trẻ cất dọn đồ chơi và cất ba lô vào tủ)

Qua giờ đón trả trẻ tôi thường dạy trẻ một số kỹ năng như: Trẻ tự cất dép đúng nơi quy định, trẻ cất ba lô đúng nơi quy định, chơi đồ chơi xong trẻ cất gọn gàng và ngăn nắp... qua đó trẻ biết tự phục vụ mà không cần nhờ đến sự giúp đỡ của người lớn. Khi mà trẻ tự cất ba lô, trẻ biết được đó là ngăn tủ để đựng đồ dùng cá nhân của mình hàng ngày, trên đó cô giáo có dán tên và ký hiệu để trẻ dễ nhớ và nhận ra tủ của mình.
-  Rèn kỹ năng sống thông qua các góc chơi:
Trẻ chơi ở các góc chơi trẻ nhập vai, trẻ  được học làm người lớn và biết bắt chiếc người lớn  thông qua các góc chơi trẻ được chơi trò chơi bế em, cho em ăn hát ru em ngủ (Ở góc thao tác vai).
 
 
 
 
 
 
( Hình ảnh:Trẻ đang chơi trò chơi gia đình)

Ví dụ: Qua góc chơi thao tác vai với trò chơi nấu ăn, cho em ăn.
Trẻ được làm quen với những đồ dùng, vật dụng khác nhau, (Bộ đồ bếp, bộ đồ ăn, bộ đồ uống). Sự sạch sẽ, gọn gàng, một thói quen nề nếp, sắp đặt ngăn nắp, ngay ngắn những bộ đồ dùng, vật dụng, thái độ, ăn uống từ tốn, không vội vã, không khí cởi mở, thoải mái và đầm ấm, những cuộc trao đổi nhẹ nhàng, dễ chịu… tất cả những yếu tố trên sẽ giúp trẻ có thói quen tốt để hình thành  kỹ năng tự phục vụ và ý nghĩa hơn là kỹ năng sống tự lập sau này.
- Rèn kỹ năng sống qua hoạt động dạo chơi ngoài trời: Hoạt động ngoài trời là một hoạt động không thể thiếu trong chế độ sinh hoạt một ngày của trẻ. Bởi thông qua đó trẻ được tiếp xúc, gần gũi với thiên nhiên, hít thở bầu không khí trong lành, đồng thời được khám phá, thoả mãn trí tò mò của trẻ.
      Đối với trẻ nhà trẻ là giai đoạn phát triển quan trọng trong cuộc đời của bé. Nếu trẻ không được tham gia các hoạt động dạo chơi ngoài trời, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, tình cảm, kỹ năng giao tiếp của trẻ, có thể khiến trẻ mất tự tin, thiếu sự linh hoạt, khó hòa đồng không hứng thú khi được vui chơi với thế giới xung quanh.… Vì vậy, trong các hoạt động rèn kỹ năng sống cho trẻ không thể thiếu các hoạt động dạo chơi ngoài trời. Đây là một trong những hoạt động vui chơi mà trẻ hứng thú nhất, mang lại cho trẻ nhiều niềm vui và kiến thức cần thiết về thế giới xung quanh trẻ. 
Khi tổ chức các hoạt động có chủ đích, trẻ được tham gia vào các hoạt động như quan sát, đi dạo giúp trẻ nhận biết, làm quen với môi trường và cuộc sống xung quanh trẻ… Ở giai đoạn này, trẻ hình thành, phát triển kỹ năng giao tiếp xã hội, phát triển về mặt tư duy, trí tuệ, thể chất và nhiều kỹ năng khác.           
Ví dụ: Giáo viên tổ chức cho trẻ đi dạo quanh vườn hoa, nhặt lá cây quanh khu vườn và cùng nhau trò chuyện thảo luận về những việc giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, yêu thiên nhiên, biết bảo vệ cây không ngắt lá bẻ cành. Thông qua việc tổ chức cho trẻ đi dạo chơi sẽ hình thành kỹ năng hợp tác ở trẻ như biết chơi cùng bạn, biết nhường nhịn, không chen lấn xô đẩy khi chơi.
( Hình ảnh:Trẻ dạo chơi vườn hoa )
 
- Linh hoạt lựa chọn trò chơi và tích hợp các nội dung kỹ năng sống: Việc vận dụng tích hợp lồng ghép các trò chơi vào các hoạt động trong ngày ở các trường mầm non khá phổ biến. Tôi đã lồng ghép các nội dung rèn kỹ năng sống cho trẻ một cách hợp lý, khoa học góp phần giáo dục trẻ kỹ năng sống và còn giúp trẻ hào hứng, thoải mái khi tham gia vào các hoạt động chơi.
Ví dụ: Sau những giờ hoạt động căng thẳng như: Hoạt động nhận biết. Tôi tổ chức các trò chơi vui nhộn, sôi động để thay đổi không khí cho trẻ tạo hứng thú tham gia, đồng thời cũng rèn được các kỹ năng vận động và kỹ năng trẻ vừa tiếp thu qua hoạt động chung như trò chơi: “Hái quả” Cô giáo chia trẻ thành 2 nhóm (Mỗi nhóm tối đa 5 - 7 trẻ). Cô cho trẻ xếp thành hàng dọc sau vạch xuất phát. Khi nghe hiệu lệnh của cô, trẻ sẽ đi qua đường hẹp, khi đi hết đường hẹp trẻ đến cây hái quả  bỏ vào rổ của đội mình sau đó về cuối hàng chờ đến lượt sau. Sau khi trò chơi kết thúc rổ đội nào nhiều quả nhất đội đó chiến thắng. Qua trò chơi trẻ sẽ có kỹ năng vận động, kỹ năng chờ đến lượt, kỹ năng hoạt động theo nhóm.
( Hình ảnh: Tổ chức cho trẻ chơi trò chơi “Hái quả”)

- Chơi chuyển tiếp giữa các hoạt động: Hoạt động chuyển tiếp là bước đệm chuyển tiếp từ hoạt động này sang hoạt động khác. Trước trong giờ hoạt động không có sự luân chuyển tạo không khí, hứng thú cho trẻ thì một giờ hoạt động không cho một kết quả như mong đợi mà khiến trẻ nhàm chán không hứng thú tham gia hoạt động một cách tích cực. Ở hoạt động này tôi thường tổ chức cho trẻ chơi 1 - 2 trò chơi nhằm thay đổi không khí chống mệt mỏi căng thẳng cho trẻ, làm tinh thần sảng khoái, giúp trẻ sẵn sàng, tự tin bước vào hoạt động tiếp theo. Vì vậy ở hoạt động này tôi đã sử dụng một số trò chơi rèn kỹ năng sống tự tin cho trẻ những trò chơi như sau: “Cùng tập thể dục”, “Gió thổi”, rèn cho trẻ kỹ năng mạnh dạn và khéo léo, nhanh nhẹn phản ứng tốt trong hoạt động. Những trò chơi này không đòi hỏi phải có khoảng trống rộng nên tổ chức trong lớp rất là phù hợp. Dần dần những trẻ nhút nhát nhất cũng có thể tự khẳng định mình bằng việc vui vẻ tham gia chơi một cách say mê và hứng thú.
( Hình ảnh: trẻ chơi trò chơi)
 
* Thứ ba: Sưu tầm, lựa chọn, tổ chức một số trò chơi giúp trẻ rèn kỹ năng sống.
Trong hoạt động vui chơi không thể thiếu được các trò chơi dân gian, trò chơi dân gian thường được lồng ghép trong quá trình hoạt động của trẻ.
Trẻ được tiếp cận và trực tiếp tham gia chơi các trò chơi dân gian sẽ giúp cho trẻ sớm hình thành các thói quen hoạt động có hệ thống, tính tập thể giúp trẻ tự tin, linh hoạt hơn trong mọi hoạt động cũng như sự phát triển sau này của trẻ. Thông qua trò chơi dân gian, trẻ sẽ phát triển được các giác quan, phát triển trí nhớ, phát triển tư duy, trí tưởng tượng, ngôn ngữ.
Trò chơi vui - khỏe - khéo léo là những trò chơi dân gian tổng hợp vì mỗi trò chơi kết hợp nhiều kỹ năng vận động thể lực. Mục đích của các trò chơi này nhằm phát huy tính tích cực chủ động của trẻ, giúp trẻ mở rộng các mối quan hệ như:  Nu Na Nu Nống, dung dăng dung dẻ, kéo cưa lừa xẻ…  
(Hình ảnh: Trẻ chơi các trò chơi nhằm phát triển kỹ năng nhanh nhẹn và hoạt động theo nhóm)
Tất cả các trò chơi là phương tiện giáo dục thể lực một cách tích cực và thoải mái, giúp trẻ hoàn thiện sức khỏe, hoàn thiện các vận động như chạy, nhảy, đứng lên, ngồi xuống, hình thành và phát triển các tố chất của thể lực (nhanh nhẹn, khéo léo).
 Ngoài các hình thức trên tôi còn rèn kỹ năng sống của trẻ qua việc sưu tầm, lựa chọn, tổ chức một số trò chơi giúp trẻ rèn các kỹ năng sống một cách tốt nhất:
Chiều thứ hai tôi thường tổ chức thực hành rèn kỹ năng chăm sóc bản thân như rửa tay, lấy nước uống, cho đồ dùng vào cặp sách, đi dép mỗi hoạt động tôi chọn một trò chơi khác nhau:
Trò chơi: Bạn nào làm đúng.
Khi dạy trẻ cách rửa tay tôi cho trẻ chơi trò chơi “Bạn nào làm đúng”. Cách chơi như sau: Cô cho trẻ xếp hàng rồi lần lượt các bạn lên rửa tay, các con sẽ thao tác cách rửa tay, tôi gợi mở giới thiệu với trẻ về các thao tác đầu tiên các con phải làm ướt tay xoa xà phòng… sau đó tôi cho trẻ thực hiện lần lượt đến hết kiểm tra xem kết quả.
(Hình ảnh: Trẻ rửa tay với hình thức trò chơi “Bạn nào làm đúng”)
Trò chơi: Ai khéo hơn.
Khi dạy trẻ cách tháo dép để dép đúng nơi quy định tôi cho trẻ chơi trò chơi “Ai khéo hơn” cách chơi như sau: Cô chia lớp ra làm hai nhóm bạn trai và bạn gái. Nhóm bạn trai chơi trước các bạn gái còn lại quan sát. Khi trẻ chơi tôi gợi ý cho trẻ cách tháo dép như thế nào và để lên giá cho đúng quy định. Sau khi trẻ thao tác xong cô và các bạn gái cùng nhau kiểm tra xem kết quả và vỗ tay khen thưởng.
(Hình ảnh:  Trẻ thao tác đi dép thông qua trò chơi ai khéo hơn.)
Trò chơi: Ai khéo hơn.
Khi dạy trẻ cách mặc áo tôi cho trẻ chơi trò chơi “Ai nhanh hơn”. Cách chơi như sau: Cô cho trẻ cùng mặc áo, tôi gợi mở giới thiệu với trẻ về các thao tác mặc áo sau đó tôi cho trẻ chơi cả lớp cùng thực hiện theo một bản nhạc khi bản nhạc kết thúc cũng là thời gian chơi kết thúc các bé dừng tay và cùng nhau kiểm tra xem kết quả.
(Hình ảnh: Bé với kỹ năng mặc áo  qua trò chơi “ Ai nhanh hơn”).
Việc xác định nội dung cho trẻ thực hành tôi dựa trên nguyên tắc cho trẻ làm quen từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp. Như khi dạy trẻ cách mặc áo những tuần đầu tôi dạy trẻ cách mặc áo có khuy bấm, tuần tiếp tôi dạy trẻ cách mặc áo có khuy cài và những tuần sau nữa tôi dạy trẻ cách mặc áo có khóa kéo. Lúc đầu trẻ thực hiện rất vụng về lung túng nhưng do luyện tập thường xuyên và có kế hoạch lên các thao tác dần chính xác hơn từ đó trẻ có kỹ năng chăm sóc bản thân tương đối tốt.
* Thứ tư: Phối kết hợp với phụ huynh
Với phương châm “Trường học là nhà, nhà là trường học”. Tôi hiểu rằng vai trò quan trọng của hai yếu tố này. Nhiều khi bố mẹ không quan tâm tới việc học của con, không có thời gian trao đổi thông tin với cô giáo không nắm bắt được tình hình của con cũng khiến cho trẻ thiếu đi sự quan tâm và hình thành cho trẻ tính tự kỷ khi gặp người xung quanh mình. Nhận thức được điều đó tôi luôn thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với phụ huynh thông qua giờ đón trả trẻ.
( Hình ảnh:  Cô giáo tuyên truyền cho phụ huynh)
3. Đánh giá biện pháp cá nhân đã và đang áp dụng tại lớp.
*  Đối với giáo viên:
- Phải lựa chọn nội dung xây dựng kế hoạch lồng ghép rèn kỹ năng sống một cách hợp lý, lô gic sáng tạo gây hứng thú với trẻ trong các giờ chơi.
- Cung cấp cho trẻ những kỹ năng cơ bản để phục vụ bản thân trẻ thông qua các hoạt động học, hoạt động chơi.
- Giáo viên chủ động sáng tạo thiết kế và sử dụng các hình thức lồng ghép giáo dục rèn kỹ năng sống thông qua các trò chơi một cách linh hoạt, mang tính phát triển, phù hợp với đặc điểm cá nhân trẻ và điều kiện thực tiễn của trường lớp, địa phương.             
- Hình thức lồng ghép các nội dung chơi của giáo viên sáng tạo, xuất phát từ nhu cầu, khả năng, hứng thú của trẻ. Trẻ thường xuyên được củng cố, rèn luyện kiến thức kĩ năng, thực hành thông qua các trò chơi tại lớp.
- Đã thu hút được sự quan tâm sát sao từ phía phụ huynh để kết hợp chặt chẽ khi rèn kỹ năng sống cho trẻ tại trường. Phụ huynh cảm thấy yên tâm khi thấy con mình tiến bộ, tin tưởng vào cô giáo, vào nhà trường khi gửi gắm con em mình qua đó giúp đỡ rất nhiều cho các hoạt động của lớp thành công.
*  Đối với trẻ:
 Bảng khảo sát kết quả sau khi áp dụng vào đề tài như sau:
 
Nội dung
Khảo sát trước khi áp dụng Kết quả khảo sát sau khi áp dụng
Số trẻ Tỉ lệ Số trẻ Tỉ lệ
Trẻ biết cất dọn, sắp xếp đồ dùng đồ chơi đúng nơi quy định 13/27 48% 26/27 96%
Kỹ năng giao tiếp 12/27 44,4% 24/27 88,8%
Kỹ năng tự phục vụ 10/27 37% 25/27 92,5%
Kỹ năng chơi 14/27 51,8% 27/27 100%
Kỹ năng hợp tác 13/27 48% 26/27 96%
PHẦN III: PHẦN KẾT LUẬN
1.Tính mới, tính sáng tạo của biện pháp.
Đề ra những giải pháp định hướng rèn kỹ năng sống cho trẻ qua hoạt động chơi tại lớp nhà trẻ 24 – 36 tháng bản.
Nâng cao trình độ chuyên môn giáo viên, nắm rõ được tâm sinh lý của trẻ. Giúp trẻ nhà trẻ hào hứng  tham gia các trò chơi có hiệu quả, mang lại cho trẻ kỹ năng mạnh dạn, năng động, ngôn ngữ của trẻ phát triển rõ rệt. Rèn kỹ năng sống cho trẻ tạo ra nhiều thuận lợi trong việc giáo dục toàn diện cho trẻ. Giúp trẻ tự tin, có kỹ năng tự phục vụ bản thân có ý thức tự giác  ngăn nắp gọn gàng và tự bảo vệ môi trường xuang quanh mình. Biện pháp đã mang lại những hiệu quả nhất định trong việc thực hiện mục tiêu rèn kỹ năng sống cho trẻ nhà trẻ thông qua các hoạt động chơi trong trường mầm non thị trấn Điện Biên Đông.
2. Phạm vi ảnh hưởng:
Áp dụng cho trẻ nhà trẻ 24-36 tháng bản trường mầm non thị trấn Điện Biên Đông, ngoài ra còn có thể áp dụng cho các trẻ nhà trẻ trong trường mầm non thị trấn Điện Biên Đông.
Trên đây là: “Biện pháp nâng cao chất lượng rèn kỹ năng sống cho trẻ 24 – 36 tháng bản thông qua các hoạt động chơi trong trường mầm non thị trấn Điện Biên Đông”

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây